Quyết liệt, thẳng thắn đến cực đoan, con người và những tác phẩm của anh luôn gây bất ngờ và tranh luận nhiều chiều cả trong và ngoài giới kiến trúc sư.
Tên anh gắn liền với “gió và nước”, với “khí động học”… đó phải chăng là những ám ảnh từ thơ ấu?
Quê tôi ở Quảng Bình, vùng gió Lào cát trắng, ám ảnh nhất đối với tôi là cái nóng khủng khiếp của những buổi trưa hè, thường xuyên trên 400C, mồ hôi lúc nào cũng ướt đầm vai áo. Cái quạt nan lúc nào cũng ở trên tay, ngủ thiếp đi một tí rồi lại tỉnh dậy, quạt suốt đêm ngày. Những trưa hè đi rừng, vác củi lên con dốc, nóng đến đứng tim luôn. Những lúc như thế mà nhìn thấy mặt nước hồ, một khe suối, một làn gió, không gì hạnh phúc hơn. Cảm giác đó theo tôi suốt cả một quãng đời dài. Gió và nước không chỉ là thuật phong thuỷ, mà còn là sống thuận với thiên nhiên, là sự hài hoà giữa tiềm thức và khoa học, kết tinh của văn hoá phương Đông, trở thành một tiêu chí quan trọng trong thiết kế kiến trúc thế kỷ 21, nhất là những vùng nhiệt đới.
KTS Võ Trọng Nghĩa
Những thăng trầm nào trong cuộc sống đã hình thành nên tính cách của anh?
Vất vả và khó khăn là những thử thách hình thành nên bản lĩnh mỗi người. Ai thành công mà không từng trải qua khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội cho riêng mình. Vượt khó đã trở thành bản chất của hầu hết những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì có khó khăn mới cần vượt khó. Tôi may mắn từ một cậu bé chặt củi, chăn trâu, nhảy ngay vào học kiến trúc.
Từng du học ở Nhật, anh chịu ảnh hưởng từ người thầy nào để hình thành một tư duy xanh, một lối sống xanh?
Tôi ra Hà Nội năm 18 tuổi, 20 tuổi qua Nhật. Bài học đầu tiên là tôi được bịt mắt và cho một người dẫn đi khắp trường, cho mình sờ vào mọi vật, ghi lại những hình ảnh về từng đoạn đường, hình dung ra tất cả mọi thứ xung quanh bằng xúc giác và trí tưởng tượng. Có hôm, thầy bật lên một bản nhạc hay, cho mình nghe mười lần, và sau đó muốn thiết kế cái gì cũng được… Điều đó kích thích sự tự do trong suy nghĩ. Những công trình của tôi đều rất khác nhau, nhưng nhìn là biết phong cách của mình, đó là nhờ sự tự do trong tâm tưởng.
Giáo sư Naito Hiroshi là người thầy ảnh hưởng nhiều nhất đến suy nghĩ, định hướng kiến trúc của tôi. Sự quyết liệt đến độ khắc nghiệt nhưng vô cùng bình thản của ông đã giúp tôi phương pháp nhìn mọi thứ bằng nhiều chiều, đa dạng, thiên biến vạn hoá và phương pháp nghiên cứu kiến trúc để chinh phục những cái chuẩn ấy. Cách sống, cách làm việc tự do tuyệt đối về bản chất và năng lượng của ông đã truyền qua tôi, khiến tôi có một sự tự nguyện tuyệt đối trong việc học ông.
Sự đồng nhất với thiên nhiên có từ lâu trong tâm hồn người Việt, và tôi tin mỗi công trình mình làm ra đều mang mùi vị bản thân của vùng đất đó một cách tự nhiên, chính điều đó giúp tôi khác biệt. Tôi có khả năng quên đi tất cả, giống như “xoá trắng” mình vậy, để cảm nhận về những vùng đất, văn hoá, cảm nhận gió, nước, cường độ ánh sáng, độ ẩm, chất liệu khác nhau… tự khắc có những dữ liệu nhập vào dẫn dắt mình đi. Những thông số rất cụ thể và những cảm xúc ấy cũng trong sáng, không mơ hồ tí nào.
- Giáo dục hiện nay quá quan trọng chuyện thành công, phải dạy lớp trẻ dám chịu trách nhiệm trước thất bại và thấy thất bại là chuyện bình thường, là chuyện cần thiết để thành công.
Điều mà anh trăn trở nhất, để có thể mang tới không gian xanh cho cộng đồng?
Tôi bị ám ảnh bởi những căn nhà ống ngột ngạt, thiếu ánh sáng, không khí ngưng tụ giữa các bức tường ẩm thấp. Thế kỷ 20 loài người đã cố gắng chinh phục, cưỡng chế thiên nhiên bằng kỹ thuật, tuy nhiên con người cũng sớm nhận ra sai lầm đó và đang nỗ lực sống thuận với thiên nhiên, tận dụng tối đa sức mạnh của thiên nhiên, đó là lý do chúng tôi cho ra đời những mẫu nhà phố 4 x 20m, 4 x 15m hoặc 6 x 15m… những công trình xanh được đánh giá cao, lọt vao top 15 nhà đẹp năm 2011, giải thưởng Kiến trúc xanh của châu Á tại Singapore… Nhà ống là ước mơ resort giữa thành phố của người đô thị, với phòng ốc đạt chuẩn năm sao và xanh. Mỗi năm lượng nhà được xây dựng ở Việt Nam rất nhiều, đây là cơ hội lớn cho kiến trúc sư trong nước thể hiện ý tưởng đưa ra với thế giới.
Vì sao xu hướng kiến trúc xanh vẫn chưa thắng thế?
Thứ nhất, kiến trúc xanh ở Việt Nam còn quá ít nên người sử dụng rất khó tiếp cận nó. Thứ hai, chủ đầu tư vẫn có cảm giác những công trình kiến trúc xanh sẽ có giá cao nhưng trên thực tế, nhiều mẫu nhà xanh đô thị có chi phí xây dựng chỉ 8 – 12 triệu đồng/m2 như những công trình khác. Thứ ba, mọi người vẫn nghĩ muốn làm công trình xanh phải có diện tích rất rộng, trên thực tế chúng tôi vẫn có thể làm công trình xanh, nhà ở xanh với diện tích từ 40m2 trở lên.
Nhìn lại những công trình của mình, đã bao giờ anh phạm sai lầm?
Sai lầm là thường xuyên và chẳng có gì phải hổ thẹn. Trong thiết kế, quản lý con người, điều hành công việc đều phải thường xuyên điều chỉnh và điều chỉnh hàng ngày mới tốt được. Tôi nghĩ giáo dục hiện nay quá quan trọng chuyện thành công, phải dạy lớp trẻ dám chịu trách nhiệm trước thất bại và thấy thất bại là chuyện bình thường, là chuyện cần thiết để thành công. May mắn nhất với tôi là biết học từ thất bại của mình và của người khác, bình thản hơn trước thất bại, điều đó giúp tôi được nạp năng lượng liên tục và không bị khủng hoảng.
Nỗ lực nào giúp anh chinh phục được nhiều giải thưởng quốc tế khi tuổi đời còn trẻ?
Mọi nỗ lực chỉ để trong sáng và tĩnh lặng hơn. Tôi làm kiến trúc xanh không phải để được giải thưởng, nên nếu có giải thưởng vẫn cảm thấy nhẹ nhàng và hầu như tôi ít đi nhận giải thưởng mà tập trung làm những công trình tiếp theo với hy vọng công trình của Việt Nam tiếp tục được xướng danh ở đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng, nếu được giải thưởng thì công trình kiến trúc của Việt Nam càng được biết đến, kiến trúc Việt Nam sẽ ra với thế giới nhiều hơn. Và đó là ước mơ lớn của tôi. Chọn kiến trúc xanh, theo tôi đó chính là kiến trúc Việt tương lai, phù hợp với khí hậu, phong thổ và con người Việt Nam, tận dụng tối đa thế mạnh từng vùng miền, trong quá trình quốc tế hoá, tự khắc sẽ thành bản sắc. Hơn ai hết, tôi hiểu nếu đánh mất mình, sẽ chẳng ai đến với mình.
- Vấn đề nan giải nhất của Việt Nam không phải là kinh tế, con số, mà là sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hoá, ô nhiễm trong đầu óc. Vì thế mới sinh ra những thứ trơ trẽn như Vinashin, Vinalines…
Nhiều người băn khoăn về tính khả dụng và độ bền vững của các tác phẩm làm bằng chất liệu tre. Qua một thời gian công trình đi vào sử dụng, anh thấy sao?
Cà phê Gió và Nước là thử nghiệm đầu tiên để làm công trình tre và thử nghiệm không gian kiến trúc, nên thời gian sử dụng mười năm trở lại là tốt rồi. Nghiên cứu qua từng giai đoạn, bar Gió và Nước vừa nghiên cứu vật liệu, vừa chinh phục khả năng vượt nhịp 15m và sản xuất đơn vị với chất liệu tre. Đến công trình Bamboo Wing thì xử lý đã được hoàn thiện. Tôi dùng tiền túi của mình để thử nghiệm, và khi thành công mới làm cho người khác. Hiện nay, người ta đã dùng tre ép làm sàn gỗ, dầm tre, chứng tỏ tre có độ bền như gỗ nếu biết xử lý. Và chắc chắn, không ai có thể nói gỗ kém bền hơn bêtông cả.
Có tranh cãi về bản quyền của một số công trình của anh, như công trình thiết kế đại học Kiến trúc, anh có thể nói rõ hơn về việc này?
Tất cả các công trình nếu đóng dấu công ty Võ Trọng Nghĩa đều do tôi chủ trì, chuyện đó không phải bàn cãi. Còn công trình đại học Kiến trúc, báo Sài Gòn Giải Phóng thì ghi rất rõ ràng: “Võ Trọng Nghĩa và cộng sự: KTS Kojima Kazuhiro, KTS Sanuki Daisuke”.
Anh nghĩ gì khi một số người trong giới kiến trúc sư chưa đánh giá cao về anh?
Thế giới rộng mở, cứ để khách quan đánh giá. Chẳng có gì phải buồn cả, vì chuyện người hiểu mình hay không là bình thường. Mỗi người một quan điểm, chủ trương của tôi là tôn trọng quan điểm đó. Ở một mức độ nào đó sống hơi tách bạch, ít giao lưu với người cùng nghề. Có thể tính tôi hơi thẳng, nghĩ sao nói vậy, đó cũng là nhược điểm lớn, nhưng trong một số trường hợp lại là ưu điểm.
Cách điều hành doanh nghiệp của anh có gì khác biệt, để có thể quản lý nhiều công trình khác nhau trên thế giới?
Năng lực quản lý, điều hành là sự khác nhau giữa người này và người khác.
Tôi không bận rộn như người ta nghĩ đâu, nhưng công ty tôi vẫn phát triển không ngừng. Đi qua Bắc Âu, tôi thấy rõ một điều là dân số dù rất ít, nhưng thương hiệu của họ tràn ngập thế giới. Họ điều khiển doanh nghiệp không phải bằng số lượng con người, mà bằng đầu óc, suy nghĩ, hệ thống kiểm soát, kiểm tra chất lượng cũng như hệ thống làm ra các ý tưởng. Muốn vậy, phải trao đổi, chia sẻ liên tục và chỉnh đốn thường xuyên. Hiện ở công ty tôi có hai kiến trúc sư là thủ khoa đến từ Nhật Bản. Phải có một sức hút nào đó về tài năng, đạo đức, con người, mới có thể đào tạo và giữ họ ở lại, phục vụ cho Việt Nam.
Giữ được sự lãng mạn có khó không với một kiến trúc sư kiêm doanh nhân như anh?
Tôi từng được gặp một số doanh nhân giàu, tử tế, càng thành công họ càng giàu cảm xúc, con tim họ rất nhạy cảm, lãng mạn, gần gũi với thiên nhiên… Rõ ràng không đơn giản chỉ vì họ ham tiền. Xã hội càng phát triển sẽ loại dần những người không có nội lực. Thời gian cũng là thử thách rèn luyện bản thân, buộc mình chín chắn hơn. Thực tế và lãng mạn, con số và cảm xúc là hai mặt của một kiến trúc sư, tôi cũng từng đau khổ để làm thế nào hài hoà, cân bằng hai mặt ấy. Vì kiến trúc là sáng tạo ra một tác phẩm rất lãng mạn, nhưng “đúng trước, đẹp sau”, và cố gắng chỉ tạo ra cái đẹp, biến cái bất biến thành thiên biến. Thời gian cuộc đời mỗi con người là hữu hạn, khi hiểu ý nghĩa cuộc đời, hiểu mình sinh ra để làm gì, tôi luôn tự nhủ cố gắng cho mỗi công trình đều mang thông điệp có ý nghĩa nào đó.
- 2002: Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp với đồ án xuất sắc khoa kiến trúc học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản). 2004: tốt nghiệp thạc sĩ khoa xây dựng đại học Tokyo với giải thưởng luận văn xuất sắc. 2005: giải thưởng của tổng trưởng đại học Tokyo cho nghiên cứu khoa học luận án tiến sĩ của đại học Tokyo.
- Từng đoạt huy chương vàng hội Kiến trúc sư châu Á (2007), giải vàng cuộc thi Kiến trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2008), giải bạc cuộc thi Kiến trúc Holcim toàn cầu (2009), giải Thiết kế xanh tại Chicago – Mỹ (2010), huy chương vàng giải thưởng Kiến trúc châu Á (2011)…
- KTS Võ Trọng Nghĩa vừa được Hội đồng giải thưởng WAN 21 for 21 công bố là người đứng đầu danh sách tám người thắng cuộc trong đợt xét tuyển lần hai với các công trình nổi tiếng làm bằng tre. WAN 21 for 21 được tổ chức bởi World Architecture News – trang web uy tín của giới kiến trúc sư thế giới, nhằm tìm kiếm và vinh danh 21 kiến trúc sư nổi bật, tiên phong trong sáng tạo mới của kiến trúc thế kỷ 21.
Điều gì khiến anh buồn nhất?
Sự ô nhiễm của văn hoá, những khủng hoảng của nền giáo dục làm cho thước đo giá trị xã hội bị rối loạn. Người Việt mình mất quá nhiều năng lượng để nghĩ đến chuyện của người khác, chuyện không đâu, hơn là tập trung hoàn thiện mình. Người ta bỏ ra quá nhiều tiền để xây những căn nhà ống mù mịt, thiếu sáng. Sống trong môi trường như thế làm cho con người cũng tăm tối, mất hết khả năng tư duy và xa rời thiên nhiên. Vấn đề nan giải nhất của Việt Nam không phải là kinh tế, con số, mà là sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm văn hoá, ô nhiễm trong đầu óc. Vì thế mới sinh ra những thứ trơ trẽn như Vinashin, Vinalines… Chúng ta còn quá chạy theo các con số, nhưng rõ ràng trong một chừng mực nào đó, nếu không quá khó khăn thì tiền bạc đâu có làm người ta hạnh phúc hơn.
Nghĩ về vẻ đẹp của Hà Nội, Sài Gòn, anh có nuối tiếc điều gì? Điều anh mong muốn nhất mà vẫn chưa thực hiện được?
Mục tiêu chính của tôi trong vài năm tới là xanh hoá các nhà ống, phát triển và cải tạo nhà ống thành nhà xanh, vận dụng trí lực để đơn giá không tăng, nhằm góp phần xanh hoá đô thị với tốc độ càng nhanh càng tốt. Tôi đang tuyển dụng người tài trên thế giới và Việt Nam để đào tạo những người làm kiến trúc xanh, phục vụ cho người Việt, và cùng anh em kiến trúc sư Việt Nam đưa kiến trúc Việt ra thế giới. Những điều mình làm với anh em kiến trúc sư nói riêng và xã hội nói chung là để xây dựng một cuộc sống xanh cho Sài Gòn, Hà Nội, và những đô thị lớn, góp phần làm dịu đi những căng thẳng, bực dọc, lo toan của xã hội và mỗi con người.
Theo SGGP